Trong báo cáo tài chính quý 1/2021, Vietinbank đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Các chuyên gia chứng khoán đều đánh giá cổ phiếu CTG – Ngân hàng VietinBank có triển vọng tích cực cho đầu tư cả ngắn và dài hạn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu, đáng giá lợi nhuận chính của CTG đến từ đâu ? Và có nên đầu tư dài hạn vào cổ phiếu ngân hàng này không?
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÂN HÀNG VIETINBANK
1.Lịch sử hình thành của cổ phiếu Vietinbank CTG
Thành lập năm 1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, CTG nằm trong nhóm 3 ngân hàng Thương mại Quốc doanh có sở hữu vốn nhà nước trên 50% bao gồm: CTG, VCB, BID.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết từ ngày 16/7/2009. Mã cổ phiếu của Vietinbank là CTG.
2.Quá trình phát triển của Vietinbank

Vietinbank là ngân hàng lớn thứ ba tại Việt Nam với 1.061 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc. Do đó, CTG hoàn toàn có vị thế để mở rộng sang mảng bán lẻ nhờ cơ sở khách hàng và chi nhánh mạng lưới rộng khắp trên cả nước.
Tính đến quý 1 năm 2021, CTG có quy mô tổng tài sản đứng thứ 2 toàn hệ thống các ngân hàng niêm yết, đạt 1.343,985 tỷ VND chỉ xếp sau BID.
Vietinbank là ngân hàng có dư nợ cho vay khách hàng đứng thứ 2 toàn hệ thống, đạt 1.003.228 tỷ VND, đứng sau BID và vượt xa nhóm ngân hàng TMCP khác. Về cơ cấu tín dụng theo loại hình kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ với 58% năm 2019.
Là ngân hàng thương mại quốc doanh, là nơi gửi tiền của các doanh nghiệp nhà nước lớn; có hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp, thuận tiện cho các hoạt động giao dịch của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngân hàng Vietinbank CTG thu hút lượng tiền gửi doanh nghiệp cũng như cá nhân rất lớn, đứng thứ 3 toàn hệ thống, chỉ sau BID và gần ngang bằng với VCB.
Bên cạnh đó, CTG có tổng dư nợ loại hình doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, cao hơn gấp đôi so với VCB và lớn hơn tổng các NHTMCP cộng lại.
3. CẬP NHẬT HOẠT ĐỘNG QUÝ 1 CỦA NGÂN HÀNG VIETINBANK CTG
Kết thúc quý 1 năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt 8.060 tỷ đồng cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức này, VietinBank là á quân lợi nhuận quý 1/2021 trong hệ thống ngân hàng, chỉ đứng sau quán quân là Vietcombank (hơn 8.600 tỷ).

2 mảng kinh doanh có tỷ trọng lớn nhất của VietinBank đều tăng trưởng khả quan trong quý đầu năm nay. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 26,4% đạt 10.642 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 21,2% đạt 1.283 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động ngoại hối giảm 13,5% xuống 340 tỷ; lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán chỉ đạt 67 tỷ trong khi cùng kỳ có lãi tới 427 tỷ. Lãi từ hoạt động khác tăng mạnh 60% đạt 438 tỷ đồng, lãi từ thu nhập góp vốn tăng 36% đạt 151 tỷ.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank quý 1/2021 đạt hơn 12.900 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng nhẹ hơn (chỉ tăng 6%) lên 3.512 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VietinBank giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.350 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng vọt, cao hơn rất nhiều so với quý 1/2020.
ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG VIETINBANK CTG

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam có biên lãi ròng (NIM) được kỳ vọng sẽ đạt mức cao trong năm 2021 khi thời hạn hỗ trợ các khoản vay sẽ hết hiệu lực. Bên cạnh đó, CTG đang tập trung phát triển nguồn vốn giá rẻ nên NIM trong năm 2021 của ngân hàng này có thể tăng 24 điểm cơ bản lên mức 3.12%.
Với việc là ngân hàng quốc doanh có lợi thế về chi phí vốn, hệ thống chi nhánh rộng khắp cả nước, cùng với triển vọng tích cực từ việc áp dụng Basel II và kế hoạch tăng vốn cũng như áp lực trích lập dự phòng là không quá lớn trong năm 2021 nếu so sánh tương quan với các ngân hàng khác. Chúng tôi cho rằng CTG xứng đáng được giao dịch ở mức P/B tương đương BID (2.4 của ngày 29/5), là ngân hàng quốc doanh có quy mô vốn chủ khá tương đồng nhưng có mức ROE thấp hơn so với CTG.
CÓ NÊN ĐẦU TƯ DÀI HẠN CỔ PHIẾU VIETINBANK
Doanh thu Vietinbank từ phí sẽ tạo đà tăng trưởng cho CTG trong những năm tới, đặc biệt là tiềm năng tăng trưởng của ngành bảo hiểm trong giai đoạn tới còn rất lớn khi nhận thức về mức độ rủi ro được nâng cao sau khi dịch Covid-19 diễn ra cùng với đó là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ góp phần giúp nhu cầu bảo hiểm tăng cao. Nhờ đó, hợp đồng phân phối độc quyền với Manulife sẽ thúc đẩy nguồn thu của CTG từ bancassurance.
Triển vọng tăng vốn sẽ là động lực tăng trưởng của CTG trong dài hạn do phát hành cổ phần mới để tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu là phương án tốt nhất để CTG cải thiện hệ số CAR, qua đó tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Qua đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể đầu tư dài hạn vào cổ phiêu này với giá mục tiêu của CTG ở mức 58,800 đồng/ cổ phiếu, tương đương với P/B là 2.4