Trong những năm gần đây, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã CK: PVT) liên tiếp lập kỷ lục về tăng trưởng, ghi dấu những bước phát triển vững chắc bất chấp những biến động của thị trường. Với một sức khỏe tốt và chiến lược đầu tư bài bản, phát triển nhiều tiềm năng, PVTrans đang cho thấy triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Dưới đây là một số đánh giá của chúng tôi về cổ phiếu này.
TÌNH HÌNH KINH DOANH PV TRANS NĂM 2021
1. Báo cáo kinh doanh PVT quý 1 năm 2021
Năm 2020, PV Trans gặp nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19 và giá dầu biến động mạnh. Tuy nhiên doanh thu vẫn ghi nhận 7.730 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế thu về 830 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019 nhưng vượt 92% kế hoạch năm.
Mới đây, tại ĐHCĐ cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận với việc chia cổ tức tiền mặt 10%, tương đương với số tiền gần 324 tỷ đồng.ư
PV Trans công bố doanh thu Q1/2021 tăng 8,8% so với cùng kỳ lên 1.717 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu thương mại & dịch vụ tăng 94,7%. Trong khi đó, doanh thu mảng vận tải tăng nhẹ 6,5% lên 130 tỷ đồng do giá thuê tàu phục hồi với tốc độ chậm hơn so với đà tăng của giá dầu. Tuy nhiên, kỳ vọng kết quả các quý sắp tới sẽ mạnh mẽ hơn khi giá dầu cao hơn có thể thúc đẩy nhu cầu vận tải, kéo theo khả năng điều chỉnh tăng giá cước thuê tàu.
Ước tính 6 tháng đầu năm, PVT đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu, thực hiện 60% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước tính đến nay ước đạt 420 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ và thực hiện 84% kế hoạch năm.
2. Mục tiêu năm 2021 của PV Trans
Sang năm 2021, PV Trans đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 6.000 tỷ, giảm hơn 22% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ (năm ngoái kế hoạch 433 tỷ đồng). Tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2021 dự kiến cũng giảm về mức 5%.
Về đầu tư, tổng công ty dự kiến chi tổng cộng 7.621 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó nguồn vốn chi đầu tư từ vốn chủ sở hữu là 2.762 tỷ và nguồn vốn vay là 4.859 tỷ đồng.
NHỮNG YẾU TỐ GIÚP CỔ PHIẾU PV TRANS TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
1. Đẩy mạnh việc đưa tàu ra khai thác trên thị trường quốc tế
PV Trans tiếp tục giữ vững vị trí là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam, duy trì 10% thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước và khoảng 30% thị phần vận tải xăng dầu nội địa.
Trong bối cảnh dư địa phát triển thị trường vận tải nội địa không còn nhiều, PV Trans đã và đang đẩy mạnh việc đưa tàu ra khai thác trên thị trường quốc tế. Tỷ lệ đội tàu hoạt động quốc tế của PVTrans đã tăng từ 70% năm 2019 lên khoảng 80% trong năm 2020 với 2/4 tàu dầu thô, 10/11 tàu sản phẩm/hóa chất, 10/13 tàu LPG, 2/2 tàu hàng rời đang hoạt động trên khắp thế giới, từ châu Á, Trung Đông đến Bắc Mỹ, châu Úc và Tây Phi với cách thức cho thuê đa dạng như thuê chuyến, định hạn, vận chuyển nhập khẩu,… Việc này đã giúp PV Trans tăng nguồn thu ngoại tệ, xây dựng thương hiệu quốc tế và đặc biệt đa dạng hóa thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường nội địa đang bão hòa.
2. Bắt đầu giải ngân vốn cho kế hoạch mở rộng đội tàu
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nhưng PV Trans đã thành công đầu tư 3 tàu mới: 2 tàu dầu hóa chất và một tàu hàng rời gồm: Tàu PVT Venus – Chemical/Oil Tanker, IMO II, được đóng năm 2010 tại Hàn Quốc, có tổng trọng tải 13.149 DWT, chiều dài 129m, chiều rộng 20m, mớn nước 8m. Tàu PVT Auzura – Chemical/Oil Tanker có trọng tải 19,945 DWT và đã ngay lập tức ký thành công hợp đồng chạy tuyến quốc tế cho khách hàng Nhật. Hợp tác thuê mua tàu PVT Diamond – Bulk Carrier, có trọng tải 55,623 DWT và đã được ký hợp đồng vận chuyển clinker và hàng rời tuyến quốc tế.
Năm 2021, PV Trans dự kiến đầu tư tổng cộng 15 tàu trong toàn chủ yếu tập trung vào các tàu dầu thô, tàu hóa chất, tàu gas, tàu hàng rời… Tổng mức đầu tư khoảng 7.621 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 2.761 tỷ đồng; vốn vay và các nguồn vốn khác khoảng 4.859 tỷ đồng.
PHÂN TÍCH CỔ PHIẾU PVT
1. Chỉ số tài chính của PV Trans
Sức khỏe tài chính cơ bản tốt mặc dù năm 2020 là năm khó khăn chung của nền kinh tế và đặc biệt là ngành dầu khí do giá dầu Thế Giới giảm mạnh, các công ty trong ngành co bớt hoạt động.
Dự báo tăng trưởng EPS giai đoạn 2020-2025 kỳ vọng đạt 9,8% do nhu cầu vận tải tăng từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSR) và hợp đồng chuyển dầu thô, hóa chất và LPG ở nước ngoài.
Tăng dự báo lợi nhận sau thuế giai đoạn 2021-2025 thêm trung bình 14%: do
- Sản lượng vận chuyển dầu thô, sản lượng từ dầu và LPB ra nước ngoài tăng từ năm 2021.
- Hoạt động kinh doanh của công ty đối tác tăng do tác động tốt từ giá dầu
- Kỳ vọng PVT có thể mua được tàu chở dầu với giá rẻ hơn so với dự báo trước đây.
2. PV Trans có năng lực tài chính mạnh
Hiện PVT có số dư tiền mặt ròng đạt 31 triệu USD vào cuối quý 4/2020, cũng như triển vọng lợi nhuận phục hồi có thể hỗ trợ mức cổ tức tiền mặt bền vững là 1.000 đồng/ cổ phiếu trong giai đoạn 2021-2025 cùng với việc mở rộng đội tàu.
3. PVT là cổ phiếu cô đặc
Lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng không nhiều: 64,45 % lượng cổ phiếu phát hành thuộc cổ đông lớn (trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 44,35%).
KHUYẾN NGHỊ
Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, năm 2021, hoạt động của PVTrans được hỗ trợ nhờ giá dầu đang hồi phục tốt, thúc đẩy dịch vụ hàng hải và PVTrans có thể không phải duy trì chia sẻ khó khăn với các đối tác như trong năm 2020.
PSI nâng định giá cổ phiếu PV Trans lên 23.700 đồng/cổ phiếu tương ứng P/E Forward 2021 đạt 8.8 với vị thế doanh nghiệp vận tải dầu thô/dầu sản phẩm lớn nhất Việt Nam và triển vọng thị trường vận tải hồi phục trở lại trong 2021.
Chúng tôi, khuyến nghị mua giá quanh vùng 18 – 19.000/cp, Mục tiêu ngắn hạn: 21.500/cp.